UEL – Mái nhà thân yêu của các thế hệ sinh viên

15 năm qua, tôi và các bạn là những thế hệ sinh viên đầu tiên của trường, luôn giữ trong tim mình những tình cảm thiêng liêng, tình yêu vô cùng đặc biệt đối với ngôi trường đại học – Khoa Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM và nay là Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL). 

 


15 năm, thời gian đi qua thật nhanh. Như thế là tôi và các bạn sinh viên khóa đầu tiên của UEL đã ra trường được 10 năm, một thập kỷ. Trong thâm tâm, tôi cảm nhận đầy đủ rằng: những người bạn sinh viên của những khóa đầu, giờ công tác, sinh hoạt ở mọi miền đất nước, có bạn công tác, định cư cả ở nước ngoài, mỗi người một công việc, một gia đình, đều hướng tình cảm bồi hồi của mình về ngày kỷ niệm thành lập ngôi trường đại học của mình - một mái nhà chung thân yêu của các thế hệ sinh viên UEL chúng ta.   

 

Tôi nhớ, những ngày đầu nhập học của kỳ tuyển sinh đầu tiên của trường năm 2001, Khoa kinh tế thật nhỏ bé, chỉ với 3 ngành và 300 sinh viên. Giờ đây, qua 15 năm xây dựng và phát triển, trường đã  trở thành trường Đại học Kinh tế - Luật với 10 khoa, bộ môn, trung tâm và hơn 8000 sinh viên, nghiên cứu sinh. Nếu nhìn thấy quy mô và sự “vươn mình” phát triển to lớn như ngày hôm nay, chắc khó có anh em sinh viên nào của những khóa đầu tiên hình dung nổi.

 

Và tôi vẫn nhớ như in những hình ảnh thi đua học tập, lao động sinh hoạt vô cùng sôi nổi của anh em sinh viên từ những ngày đầu thành lập đấy. Đó là những hoài niệm, là những tình cảm cao quý, trân trọng mà vô cùng tự hào, đã trở thành hành trang, đồng hành với tôi trong suốt qua quá trình học tập, lao động cho đến ngày hôm nay và mãi mãi về sau.

 

Vẫn biết, những thành tích, thành quả của cá nhân mình chủ yếu là do quá trình tự rèn luyện, phấn đấu mà nên. Nhưng môi trường để rèn luyện, phấn đấu là vô cùng quan trọng, nhất là từ những cái “nôi đào tạo” tràn đầy yêu thương, trí tuệ như UEL. Từ những lời chỉ dẫn, những bài giảng, những hỗ trợ, cách hành xử đầy trí tuệ và tính nhân văn của các thầy cô mà tôi vô cùng thương yêu và kính trọng.

 


Thế hệ sinh viên đầu tiên thật là “gian khổ”. Lúc đó, trường ta rất nhỏ trong hệ thống Đại học Quốc gia TP. HCM, chỉ là một Khoa, cơ sở vật chất phải “ở nhờ” của trường Đại học Khoa học Tự nhiên, không có cả nơi làm lễ khai giảng. Khó khăn là thế, nhưng mỗi thầy cô đều truyền đạt cho sinh viên khóa đầu tinh thần xung phong, phấn đấu, chung sức xây dựng nền tảng, thương hiệu nhà trường để hướng đến phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Anh em sinh viên đều ý thức rất lớn tinh thần này. Tinh thần xung phong trong thi đua học tập, sinh hoạt, thể thao “ghê gớm lắm”. Trường ta nhỏ, đi thi đua học tập, thể thao đều thiệt thòi so với các trường bạn, nhưng anh em được thầy cô động viên, quan tâm từng chút, đều tự nhủ màu cờ sắc áo, xây dựng cho được hình ảnh tươi mới của nhà trường.

 

Nói cho ngay, lúc đó đi đâu cũng bị hỏi anh em học ở trường nào, sao mà chẳng ai biết. Chính cái “tự ái” đó của thanh niên, đã làm anh em sinh viên những khóa đầu phải phấn đấu rất cao. Khóa 1 phải làm gương, làm đàn anh, đàn chị, cùng với các khóa 2,3,4 để chung sức xây dựng và phát triển trường.

 

Và tôi nhận ra, cái tinh thần xung phong đó của thầy cô truyền cho, cái “tự ái” đó của những người trẻ đã trở thành “tinh thần xuyên suốt” của mình trong học tập và công tác từ thời điểm đó cho đến cả hôm này. Đó là, trong học tập và lao động, lúc nào cũng nghĩ phải là người xung phong ở tuyến đầu, chứng minh qua thực tiễn công việc, tự rèn luyện, quyết không dựa dẫm, xem sứ mệnh “khai phá, mở đường” là của mình.     

 

Học tập trong môi trường đại học là phải đi đôi với thể thao, học thuật, phong trào Đoàn – Hội, hoạt động tình nguyện, … và lẽ tất yếu đã xây dựng nên những tình cảm, tình bạn keo sơn, bền vững, chân thành. Phong trào thanh niên trong mái nhà UEL đã mang đến cho sinh viên những kỹ năng mềm, những kinh nghiệm, vô cùng quý giá đề mình trưởng thành hơn.  

 

Những tháng ngày ở mái nhà UEL, là những lúc tôi cảm thấy mình “vẫy vùng” trong học tập, sinh hoạt, lao động, phong trào, hết mình với những người bạn. Bây giờ. Tôi thường nghĩ, nếu không được đào tạo ở mái nhà UEL, mình sẽ không đạt được thành quả như ngày hôm nay.

 

Hơn 10 năm rời mái trường để công tác, nếu được gửi một thông điệp với các bạn sinh viên khóa sau đang ngồi trên ghế giảng đường UEL, tôi chỉ muốn bộc lộ suy nghĩ chân thành nhất: Hãy tận dụng thời gian ở UEL để sống, học tập, trải nghiệm một cách chủ động. Dám suy nghĩ khác, sáng tạo và hành động thật chín chắn như thể mình đang trong tâm thế “người khai phá” để khai phá những giới hạn chính bản thân mình. Đừng để lỡ mất những khoảng thời gian quý giá của đời sinh viên - mà chắc chắn sẽ không bao giờ trở lại. Nhất là trong mái nhà UEL đang ngày một phát triển bởi các thế hệ thầy cô, cán bộ nhân viên, các anh chị sinh viên đi trước đã vun đắp bằng chính từ lòng tận tụy, tận tâm, sức sáng tạo, niềm đam mê và tinh thần xung phong.

 

Luôn vững tin vào sự phát triển không ngừng của mái nhà UEL mến yêu của tôi và của chúng ta. Chúc UEL trong chặng đường sắp tới luôn vững vàng, phát triển đi lên, trở thành trung tâm nghiên cứu kinh tế, quản lý & luật hàng đầu của đất nước, trong khu vực, và quốc tế để xứng đáng với tiềm năng, truyền thống trẻ trung, năng động và đáp ứng kỳ vọng của các thế hệ sinh viên. 

Thật tự hào là sinh viên của UEL!

 

Vũ Anh Khoa

(Cựu sinh viên Khóa 1, Khoa Kinh tế đối ngoại)

Ủy viên Ban thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận 10.